Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2017

Sơ lược Lịch sử Toán học

Sơ lược Lịch sử Toán học



Nhân soạn lại mở sách cũ, thấy trong quyển "Mathematics, the art of reason" của Birlinghoff (xb năm 1968 ở Mĩ)có phần phụ lục về Lịch sử toán học viết cô đọng nhưng khá đầy đủ, phát hoạ bức tranh khá rõ nét và màu sắc về lịch sử phát triển toán học trên thế giới, xin giới thiệu cùng các bạn (PVS):


1. Từ đầu cho đến thế kỉ 600 trước CN

Ở một nơi nào đó vào thời tiền sử, có lẽ trong thời đại Đá giữa (Middle Stone Age), từ muôn vàn các hiện tượng khác biệt trong thế giới vật lí người ta bắt đầu thấy lộ ra hai ý niệm tổng quát, ý niệm về số lượng (quantity) và hình dạng (form).  Hai ý niệm song sinh này là thuỷ tổ của hai dòng tư tưởng lớn mà mối quan hệ thật sự của chúng vẫn chưa được sáng tỏ cho tới thế kỉ thứ 17 CN.  Mặc dầu mọi nhận định về thời kì này chủ yếu dựa trên phỏng đoán nhưng người ta thường tin rằng các ý niệm về số lượng bắt đầu từ những cố gắng so sánh những nhóm vật thể bằng cách đếm, và dần dần tiến triển thành một số các hệ đếm nguyên sơ.  Hệ đếm có sớm nhất trong các hệ đếm này khá đơn giản, thường dựa trên ý tưởng về 2 hay 3 vật, với những tập hợp chứa nhiều hơn 5 hay 6 vật được phân loại một cách đơn giản là "nhiều" hay "hàng đống" hay bằng những cách diễn tả cũng ở mức độ chính xác tương tự. Cho mãi đến khi nhu cầu về giao dịch, đổi chác thúc đẩy mới làm nẩy sinh ra những hệ đếm phát triển hơn.  Sự xuất hiện của hình dạng bắt đầu với tư cách là nghệ thuật nguyên sơ qua các kiểu cách đan tết, các mẫu mã dệt thêu và các hình trang trí trên đồ gốm, các công trình kiến trúc.  Các hình thái toán học của hình dạng chưa biểu lộ ra rõ ràng trong một thời gian dài, cái mà bây giờ chúng ta  gọi là các hình hình học chỉ đơn giản là các mẫu trang trí thời đó.

Vào lúc khởi đầu của thời kì có sử, vào khoảng năm 5000 trước CN, toán học đã vào hẳn vào giai đoạn hai của sự phát triển.  Các nhu cầu về định lượng của các xã hội xa xưa đã trở nên rộng rãi và thường xuyên đến nổi cần phải phát triển những phương pháp tổng quát để tính toán và ghi lại các quy luật và kết quả để dùng trong tương lai.  Do người Babylon viết trên các tấm bằng đất sét gần như không hư hỏng được và giấy cói của người Ai Cập có thể giữ lâu trong khí hậu khô ráo của Bắc Phi nên hiện còn khá đủ các vết tích cho thấy một bức tranh khá chi tiết về những nổ lực đó trong các nền văn minh ban sơ của vùng Cận Đông.  Những chứng cứ xưa nhất về các kiến thức toán học có tổ chức cho thấy hình như có sự tồn tại của một lịch Ai Cập vào năm 4241 trước CN, và có thể một lịch Babylon trước đó.  Vào khoảng năm 3000 trước CN, người Sumery đã có thứ số học thương mại dùng được, và những bài viết trong Triều đại Ur thứ 3 cho thấy một hệ đếm vị trí cơ số 60 khá phát triển.  Những bản văn của Triều đại Babylon thứ 1, lúc vua Hammurabi trị vì, cho thấy rằng vào khoảng năm 1950 trước CN người Babylon đã phát triển được thứ Đại số có khả năng xử lí các phương trình bậc nhất và bậc hai với hai ẩn, vả cả một số phương trình bậc cao hơn.  Hình học của họ gồm các công thức diện tích và thể tích đơn giản, và cũng bao gồm việc thừa nhận một quy tắc về tam giác mà bây giờ chúng ta gọi là Định lí Pythagoras [Pi-ta-go].  Như vậy, giai đoạn đầu vĩ đại của toán học có thể được xem như gắn với người Babylon......



Không có nhận xét nào: