Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

VNDCCH hay CHDCVN?


VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ hay CỘNG HOÀ DÂN CHỦ VIỆT NAM?


Trong bản dự thảo Hiếp pháp 2013 do một nhóm các trí thức biên soạn có đề xuất tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH). Tôi thống nhất với ý kiến đóng góp trên một số diễn đàn là vì lí do đoàn kết, hoà giải hoà hợp toàn dân có lẽ không nên sử dụng thứ gì đã trở thành biểu tượng riêng của một bên. Riêngvới  cái tên nước VNDCCH, có lẽ còn một lí do nữa về mặt ngôn ngữ mà như nhiều người đã chỉ ra là không đúng với trật tự từ trong tiếng Việt. Hiến pháp là một bản văn vô cùng hệ trọng nên cần đảm bảo tính đúng đắn cả về nội dung lẫn hình thức. Trên tinh thần đó, trong bài này tôi cố gắng phân tích làm sáng tỏ có đúng là tên ‘nước VNDCCH’ là có vấn đề về ngôn ngữ hay không.

1. Có lẽ ai cũng có thế thấy tiếng Việt nói chung thành phần chính đi trước thành phần phụ. Trong giai đoạn trước đây nền giáo dục nước ta mới vừa chuyển từ chữ Hán sang chữ ‘quốc ngữ’ và việc sử dụng chữ ‘quốc ngữ’ thật sự chỉ trở nên phổ biến từ năm 1945 trở đi. Trong giai đoạn phôi thai ấy việc ‘bê nguyên xi’ cách diễn đạt kiểu Hán (phụ trước chính sau) vào tiếng Việt là điều dễ hiểu. Hơn nữa, lúc đó hầu như chưa có c ông trình nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt nào. Chỉ cần lướt qua cái tựa ngược của một trong những quyển ngữ pháp tiếng Việt đầu tiên là ‘Việt Nam Văn Phạm’ (đáng lẽ là Văn phạm Việt Nam, xuất bản năm 1941 và đến năm 1980 còn tái bản) và cách ghi chức danh ngược của một trong những tác giả của nó là ‘Văn phạm học giáo sư, Sư phạm cao đẳng học đường cựu học sinh’ (đáng lẽ là giáo sư ngữ pháp, cựu học sinh trường cao đẳng Sư phạm [Pháp]) Phạm Duy Khiêm, cũng đủ thấy rằng cái mà chúng ta gọi là ‘Việt Nam Văn phạm’ trước đây chỉ là một sự sao chép ngữ pháp tiếng Pháp/Tàu chứ không thật sự là ngữ pháp tiếng Việt. Dù vậy, cùng với sự phát triển trong việc nghiên cứu tiếng Việt và trong thực tế sử dụng ngôn ngữ, việc vay mượn ngày càng có ý thức hơn nên tình trạng nói ngược, viết ngược đã giảm dần. Cứ đọc các sách báo cũ thời Trương Vĩnh Kí, Huỳnh Tịnh Của, tới thời Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, tới thời Tự Lực Văn Đoàn (lẽ ra phải Văn Đoàn Tự Lực), rồi thời trước 1975 ở cả 2 miền và sau 1975 đến nay ta sẽ thấy có sự phát triển rõ rệt. Chúng ta dần dần vay mượn chữ Hán có ý thức hơn: chỉ mượn từ không mượn cấu trúc trừ khi cấu trúc có tác dụng làm gọn gàng cách diễn đạt, ngay cả khi mượn từ cũng có ý thức đảo lại theo thứ tự của tiếng Việt, trừ những trường hợp gây nhầm lẫn, ví dụ ‘ý dân’ thay vì ‘dân ý’, ‘kinh thánh’ thay vì ‘thánh kinh’, ‘phương Tây’ thay vì ‘Tây phương’, ‘ông lão’ thay vì ‘lão ông’….  Trong tên gọi cũng có sự phát triển như thế, lúc đầu là Gia Định báo, Nam kì nhựt trình, Đại Nam đăng cổ tùng báo, Hà thành ngọ báo, Hà Nội báo, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Tự lực văn đoàn,…. Việt Nam quốc Dân đảng, Đông Dương Cộng sản đảng, Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh hội…, về sau thành Tiểu thuyết thứ Bảy, tạp chí Bách Khoa, báo Thần Chung, báo Nhân dân… Đảng Lao động VN, Đảng Dân chủ VN,... Trong bối cảnh đó. có vẻ tên nước VNDCCH cũng đã theo trật tự ngược của chữ Hán và sau này chuyển thành trật tự xuôi trong CHXHCNVN[i].

2.Tuy nhiên, để thuyết phục hơn ta hãy xét thêm trường hợp một đối tượng có có nhiều thuộc tính (hay một danh từ có nhiều định ngữ) thì trật tự từ sẽ ra sao. Theo quan sát cá nhân, trong tiếng Việt nếu một đối tượng có nhiều thuộc tính thì trật tự diễn đạt thường là đi từ thuộc tính tổng quát dần tới thuộc tính cụ thể. Ví dụ tiệm cơm Việt Sài Gòn, tiệm cơm Thái Krung Thep. Trong ví dụ này ta đi từ tiệm (cửa hàng) nói chung tới tiệm bán món cụ thể hơn là cơm, rồi xác định cụ thể hơn là tiệm bán cơm Việt/Thái, nhưng vẫn là một tiệm bán cơm Việt/Thái chung chung nào đó; chính cái tên cuối cùng Sài Gòn/Krung Thep xác định cụ thể tiệm cơm ta muốn nói. Thực tế ngôn ngữ có những trường hợp một đối tượng có nhiều thuộc tính nhưng không phải có tầng bậc đơn giản như trong ví dụ vừa nêu mà có thể chỉ cùng một tầng hay pha trộn. Trong trường hợp các thuộc tính chỉ cùng một tầng bậc thì tuỳ theo sự quan tâm của chúng ta mà có thể đặt thuộc tính liên quan đứng trước. Ví dụ trong tên gọi trường trung học kĩ thuật dân lập Cát Tiên, ta có 3 thuộc tính trung học, kĩ thuật và dân lập cùng trực tiếp định tính cho trường nhưng theo 3 tiêu chí khác nhau (bậc học/loại hình/nguồn kinh phí), nếu ta quan tâm hơn về nguồn kinh phí chẳng hạn thì ta có thể đổi lại là trường dân lập [trung học kĩ thuật] Cát Tiên... Tuy nhiên, khi ra văn bản chính thức quy định đặt tên các trong trường hợp như thế này thì nên nhất hoán. Trước đây Bộ Giáo dục không chú ý điều này (hoặc có thể do có 2 Bộ lo việc học) nên xảy ra trường hợp trường Phổ thông trung học X nhưng lại là trường trung học kĩ thuật Y … rất trái khoái.
Bây giờ trở lại với vấn đề của chúng ta về tên nước. Với nước, ta có nhiều loại nước (nước Cộng hoà, Vương quốc… ), rồi loại nước có thể có tính chất cụ thể (dân chủ/liên bang/nhân dân…)[ii] và sau cùng thuộc tính cụ thể tức là tên riêng của nước. Như vậy, viết nước Cộng hoà Dân chủ Việt Nam, như phân tích bên trên, có vẻ là cách viết phù hợp với trật tự trong tiếng Việt nhất mà cũng phù hợp với cách viết của các ngôn ngữ khác (đối với tiếng có trật tự tự đảo ngược thì theo các thuộc tính sẽ đi theo thứ tự ngược lại - từ cụ thể dần tới tổng quát). Đây cũng là cách mà ta vẫn quen dùng để gọi các nước khác như Cộng hoà Pháp, Cộng hoà LB Đức, CH NDTH, CHDCND Lào, Vương quốc Anh, Vương quốc Hồi giáo Brunei….

3. Ngoài ra, theo cách hiểu thông thường thì Việt Nam, Pháp, Đức… là tên nước, còn những từ đi kèm theo như’ Cộng Hoà, Dân Chủ, Nhân Dân, Liên bang… ‘ nói lên thể chế, tính chất… của nước chứ không phải của tên nước. Chính vì vậy mà cả chính ta lẫn người nước ngoài đều dịch ‘nước VNDCCH’ thành ‘Democratic Republic of Vietnam’ (tiếng Anh – republic trong tiếng Anh là “nước [theo chế độ] cộng hoà”), 越南民主共和国 (tiếng Trung: ‘Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà quốc’ chứ không phải ‘Cộng Hoà Dân Chủ Việt Nam quốc’)… Một trường hợp hoàn toàn tương tư là Đông Đức trước đây có tên là ‘nước Cộng hoà Dân chủ Đức’ (Democratic Republic of Germany). Nếu cho rằng ‘VNDCCH’ là đúng thì t a phải nói ‘nước Đức Dân chủ Cộng hoà’, hoặc tương tự ‘nước Lào Nhân dân Dân chủ Cộng hoà’ hay ‘nước miền Nam Việt nam Cộng hoà’… !

Như phân tích trên, cách gọi nước VNDCCH khá rõ là cách gọi sai lầm của quá khứ. Đó là cái sai phổ biến của thời chuyển từ nền Nho học sang quốc ngữ mà chúng ta phải chấp nhận không thể chỉnh sửa vì cái sai đó đã thuộc về lịch sử. Hiện nay việc sửa đổi hiến pháp/dự thảo hiếp pháp mới đã tạo cho ta cơ hội để làm lại từ đầu, có lẽ ta nên tận dụng cơ hội này để chỉnh lại/đặt mới tên nước (cũng như những điều khác) cho đúng, không để sai sót xảy ra thêm một lần nữa.



[i] Trong tên gọi này từ XHCN là một [ngữ] tính từ mà nhiều người vẫn còn dùng lẫn lộn với [ngữ] danh từ CNXH, theo suy đoán có cách thành lập mô phỏng từ cách thành lập tính từ “thuần Việt” kiểu ‘cao cổ’ (trong huơu cao cổ), ‘to gan’ (trong cô bé này to gan thật), ‘rộng họng” (trong chú trai này rông họng quá)…
[ii] Các tính chất này cùng tầng bậc.